Chu chay 2

font size= "18 px "> Cạn dàu tim cháy thành tro .Những mong sáng cả đôi bờ nhân gian

Trang Anh

Philipin kien TQ về bien dao tai LHQ

Phát biểu tông thong Obama

Tân Lê -cô gái Úc gốc Việt tài danh

Ca voi chet dat vao bo bien Hue

Hoc tieng anh hieu qua.Tieng anh 123.com

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

NHỮNG LỜI RÚT TỪ MÁU VÀ NƯỚC MẮT - NGUYỄN TRUNG


Nguyễn Trung
                                                               NGUYỄN TRUNG
NQL: Tiểu luận rất hay! Dường như cụ Nguyễn Trung đã vắt hết óc não, mồ hôi và nước mắt cho tiểu luận này.

Bàn thêm về ASEAN

Các phần trình bầy trên đã nêu lên những thách thức đối với nước ta. Tại đây xin nêu thêm một số ý kiến về thách thức đối với Việt Nam có liên quan đến ASEAN.


          ASEAN là một tập hợp do đòi hỏi của cuộc sống tự thân các nước ASEAN, nhưng tập hợp ASEAN vẫn còn đứng xa cái đích đã tạo ra nó: trở thành một hợp tác khu vực mang lại phát triển phồn vinh, hạnh phúc cho các quốc gia thành viên, bảo vệ và phát huy được vị thế quốc tế phải có của ASEAN.     

          Trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện cái đích của ASEAN là (1)sự phát triển không đồng đều và (2) một số khác biệt / mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên do lịch sử (bao gồm cả những yếu tố văn hóa) và do hoàn cảnh địa kinh tế và địa chính trị của mỗi quốc gia thành viên tạo nên. Thực tế này là mảnh đất mầu mỡ cho mọi ý đồ can thiệp, lũng đoạn của bên ngoài[86].

Điều may mắn là những thách thức, đòi hỏi của phát triển tự thân các nước thành viên, cũng như đòi hỏi và sức ép đến từ bên ngoài khu vực, đang thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hợp tác của tập hợp ASEAN. Những nỗ lực nhằm hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (CEA) vào năm 2015 phản ánh sự đang trưởng thành này. CEA được xây dựng trên 3 trụ cột là an ninh chính trị, kinh tế, và văn hóa xã hội; đấy sẽ là một dạng tập hợp tương tự như Liên minh Châu Âu (EU), song ở mức thấp hơn và có những khác biệt nhất định.

Thách thức lớn nhất đến từ ASEAN đặt ra cho Việt Nam là chính Việt Nam: Làm gì? và làm thế nào? để thực hiện được vai trò và nghĩa vụ của chính nước ta mà sự thành công của ASEAN đòi hỏi, mong đợi.

Muốn hay không muốn, nói ra hay không nói ra, vụ lợi hay không vụ lợi, có sự mong đợi từ ASEAN về một lá chắn Việt Nam đối với áp lực Trung Quốc. Cũng như vậy, Việt Nam cần một hẫu thuẫn trực tiếp từ ASEAN chống lưng cho mình trong đối phó với sóng bão Trung Quốc.

Thực trạng hiện nay là:

(1)       sự mong đợi từ ASEAN nước ta đáp ứng chưa tốt – trước hết vì sự đóng góp của Việt Nam vào phát triển và hợp tác của ASEAN còn rất khiêm tốn, Việt Nam vẫn đang thiếu một đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và dấn thân, Việt Nam chưa có một nền tảng đối nội cho một đường lối đối ngoại mà vị thế của Việt Nam ngày nay đòi hỏi;  (theo tôi, không thể đổ lỗi tình trạng này cho sức mạnh kinh tế còn khiêm tốn của mình);

(2)        sự hậu thuẫn chống lưng cho Việt Nam đang có những lỗ thủng đáng lo ngại – chủ yếu do ảnh hưởng và sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc (trước hết vào Campuchia, Lào, Thái Lan…, chính sách bẻ từng que đũa của bó đũa…) và phần nào do bản thân sự phát triển của chính các nước thành viên ASEAN còn những hạn chế nhất định[87].

Nước ta đang đứng trước một thực tế rất nhạy cảm: Hoặc là Việt Nam thực hiện được vai trò và nghĩa vụ mà ASEAN mong đợi; trong trường hợp này ASEAN mạnh lên và Việt Nam cũng nhận được từ ASEAN và cộng đồng quốc tế điều mình mong đợi. Hoặc là trường hợp Việt Nam bất lực, thậm chí giả sử Việt Nam đi ngược lại mong đợi của ASEAN (ví dụ: giả thiết rằng Việt Nam và Trung Quốc “đi đêm” với nhau trong đàm phán song phương Việt – Trung…), Việt Nam sẽ rơi vào một thế bị cô lập nguy hiểm - không phải chỉ trong phạm vi ASEAN, mà còn trong phạm vi quốc tế[88].

Xin hình dung trước mắt ta là tấm bản đồ: Phía Bắc là Trung Quốc, phía Đông và Nam là sự uy hiếp của Trung Quốc trên Biển Đông, phía Tây là các “điểm ASEAN” đã bị Trung Quốc chọc thủng… Không thể nhắm mắt trước một tấm bản đồ như vậy. 

Hễ là người Việt Nam thì cần nhìn thẳng vào tấm bản đồ này và lựa chọn quyết định phải lựa chọn.

Trên thế giới ngày nay không còn liên minh ý thức hệ (ví dụ như sự ra đời và tồn tại “phe” XHCN trước đây), song lại có đòi hỏi bức thiết về liên minh của lợi ích cùng chiều, liên minh của các giá trị và của sự phát triển,. Điều này có nghĩa Việt Nam chỉ có thể có được một ASEAN như mình mong đợi, nếu Việt Nam tự phát triển và tự dấn thân mạnh mẽ.

Tự phát triển và tự dấn thân như vậy, thực sự là thách thức khó nhất, lớn nhất đặt ra cho Việt Nam hiện nay. Sẽ là vô ích và nguy hiểm, nếu ta chỉ một chiều trách cứ bạn bè thế nọ, thế kia… Đơn giản vì không thể có chuyện “mủi lòng thương cảm”, “sự thông cảm…” từ phía bạn bè khi bàn những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia.

 Thách thức do sự hội tụ của mọi thách thức

(1) Sự tha hóa và bất cập của hệ thống chính trị trước đòi hỏi nóng bỏng phải chuyển đất nước ta bước sang một giai đoạn phát triển mới,

(2)  con rồng Trung Quốc đã bắt đầu nhe nanh vuốt của nó,

(3)  trục xoay của Mỹ hướng về CA-TBD,

(4) sự tự khẳng định ngày càng tăng của các cường quốc khu vực hướng vào khu vực CA-TBD,

(5) kinh tế thế giới đi vào một thời kỳ phát triển mới đang thay đổi sâu sắc sự  vận hành hiện nay của quá trình toàn cầu hóa – một phần việc cụ thể có liên quan của quá trình này là Việt Nam thực hiện các bước đi tham gia vào TPP và phải cùng với các thành viên ASEAN hoàn thành xây dựng cộng đồng CEA; 

đấy là 5 thách thức đang đặt ra trực tiếp cho nước ta hiện nay và trong những thập kỷ tới.

          (Còn thách thức thứ 6 là nguy cơ ASEAN bị phân hóa, song nguy cơ này còn tùy thuộc rất nhiều vào sự hiệp đồng giữa các thành viên ASEAN, cũng có nghĩa là tùy thuộc rất nhiều vào vai trò dấn thân của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN; vì thế không muốn liệt kê vào đây).

          Điểm nổi  bật là cả 5 thách thức nói trên cũng hội tụ vào thời điểm hiện tại, mọi mối quan hệ qua lại của chúng cùng tác động đồng thời vào nước ta, tạo ảnh hưởng chi phối sự phát triển của nước ta trong những thập kỷ trước mắt.

          Sự hội tụ này có nghĩa:

a.     làm gia tăng tính triệt để của các thách thức,

b.    mọi giải pháp cho bất kỳ thách thức nào phải đồng bộ và liên quan hữu cơ đến những giải pháp cho các thách thức còn lại,

c.     không làm chủ được thách thức này hàm nghĩa sẽ thất bại hay khó tránh thất bại trước những thách thức khác,

d.    các giải pháp cho từng thách thức có thể hỗ trợ lẫn nhau, nhất thiết phải được thiết kế theo cách tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau, các giải pháp đòi hỏi phải có tầm nhìn, trí tuệ, ý chí và sự đồng thuận phù hợp trong toàn dân tộc;

e.     trong tất cả mối quan hệ qua lại hữu cơ giữa các thách thức, làm chủ và giải quyết thành công thách thức số 1 luôn luôn là khởi sự và là chìa khóa cho giải quyết thành công 4 thách thức còn lại.

          Để giải quyết cả 5 thách thức (1 – 5) với những đặc tính nêu trên (a – e), Việt Nam đứng trước đòi hỏi sống còn phải tiến hành thành công một cuộc cải cách triệt để hệ thống chính trị để trở thành một Việt Nam có bản lĩnh. Đây là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề, mở ra cho đất nước một giai đoạn phát triển mới bắt buộc phải vươn tới.

Sự thật là, dù nhìn từ bất kể phương diện nào – đối nội hoặc đối ngoại, kinh tế hoặc chính trị hay quân sự, hoặc trên các phương diện văn hóa, xã hội.., - tình hình bắt buộc nước ta phải tiến hành một cuộc cải cách chính trị vỹ đại, để trở thành một quốc gia có bản lĩnh đứng vững vàng trong khu vực ngày càng trở nên nóng bỏng này…
          Cuộc cải cách chính trị này phải nhằm vào cái đích:

-        Phát huy được sức mạnh dân tộc, bắt đầu từ xây dựng một thể chế chính trị dân chủ pháp quyền, thực hiện quyền con người, giải phóng tự do cá nhân, từ đó làm nên sức mạnh vật chất và tinh thần của đất nước.

-        Bằng đường lối ngoại giao dấn thân tạo ra khả năng lan tỏa ảnh hưởng của Việt Nam cho một sự tập hợp lực lượng trên thế giới hậu thuẫn sư nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Không thể nói khác, đấy phải là cuộc cải cách dưới ngọn cờ dân tộc và dân chủ với tầm trí tuệ và ý chí của văn minh nhân loại ngày nay. 

Như vậy, hy vọng đã trình bầy rõ điểm xuất phát là thực trạng của đất nước hôm nay, cũng như cái đích phải đi tới của cuộc cải cách chính trị phía trước. 

Nghĩa là từng người Việt Nam phải cùng nhau thay đổi, cùng nhau trưởng thành lên ngang tầm đòi hỏi của đất nước, chứ không phải chỉ có riêng những người đảng viên ĐCSVN.

Câu chuyện còn lại là từ thực trạng đất nước hôm nay lựa chọn con đường nào? và với lộ trình nào? để đi tới cái đích phải đến nói trên.

Con đường lý tưởng của cải cách là con đường của công khai minh bạch, của thông tin, học hỏi, dân chủ, là con đường của thiện chí xây dựng, của phát triển, là con đường của đồng thuận xã hội ở mức cao nhất, là con đường cùng nhau thiết kế, cùng nhau khai phá, tiến hành.., là con đường được dẫn dắt bởi trí tuệ và các giá trị thuộc về các quyền tự do dân chủ của nhân dân… Quyết khép lại quá khứ, để làm bằng được như vậy. Quyết không phản bội bất kỳ hy sinh nào đã ngã xuống vì nước, không bỏ qua bất kỳ mất mát nào đất nước đã phải trả giá để có được hôm nay. Phải chắt chiu từng đồng tiền bát gạo đã dành dụm được, để vắt óc xây đắp lên những thành quả mới của đất nước trên con đường cải cách… Đó chính là con đường vận động dân chủ và trí tuệ từ dưới lên, vừa đặt ra đòi hỏi mạnh mẽ bất khả kháng của nhân dân và đồng thời vừa tạo thuận lợi cho việc tiến hành cải cách thể chế chính trị từ trên xuống trong hòa bình, hiểu biết, hòa giải, đồng thuận và đoàn kết dân tộc.

So với các nước LXĐÂ cũ, so với Myanmar hiện nay, có thể nói nước ta ngày nay hội đủ mọi điều kiện trong, ngoài tạo ra một khung khổ mang tính chất cam kết của đồng thuận xã hội, được nuôi dưỡng bằng ý chí của dân tộc, để tiến hành một cuộc cải cách bằng trí tuệ và hòa giải, không hồi tố, không đổ máu, không tiếng súng, đảm bảo kinh tế tiếp tục phát triển trong cải cách. Tất cả với mục đích duy nhất là vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, vì cuộc sống đáng sống của người dân Việt ta – đúng với tinh thần: dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Cải cách dứt khoát không chấp nhận con đường bạo lực, và không thể thành công bằng con đường này.

Có 2 luồng ý kiến chính:

-        Trong tình hình đối nội, đối ngoại đều nóng bỏng đối với nước ta như hiện nay, cải cách sao tránh khỏi dẫn đến một Ai-cập ở Việt Nam. Làm như thế để mà chết à?

-        Trong tình hình nước sôi lửa bỏng như hiện nay, cải cách là lối ra, là con đường sống.

Xin cứ nêu lên như thế để cùng bàn luận.

Người viết bài này xin lạm bàn:

Qua việc bàn luận sửa đổi Hiến pháp 1992, tình hình cho thấy luồng ý kiến thứ nhất rất rôm rả trong tranh luận bằng “độc thoại” trên nhiều báo chí chính thống (lề phải) và trong không ít phát ngôn quan trọng. Luồng ý kiến này nhấn mạnh: Ưu tiên số một là giữ ổn định chính trị, tình trạng yếu kém khó khăn của đất nước có thể được cứu chữa bằng đẩy mạnh tự phê bình và phê bình (tham khảo các ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6; tham khảo các ý kiến của Hoàng Chí Bảo trong tranh luận kiểu độc thoại trên báo QĐND 25-08-2013 với Lê Hiếu Đằng). Thiết nghĩ, cách tiếp cận này là lựa chọn sự nhắm mắt để dễ bề chấp nhận cái chết lâm sàng, trước khi đi tới cái chết hẳn dù dưới dạng nào.

Luồng ý kiến thứ hai nêu ra nhiều kiến nghị cụ thể về sửa đổi Hiến pháp. Tiếc rằng chỉ được đăng tải trên “lề trái”. Rất nên phổ biến công khai các ý kiến của luồng này trên mọi phương tiện thông tin đại chúng của lề phải, để công luận cả nước cùng thảo luận. Tại đây chỉ muốn đặt câu hỏi: Nếu người cầm quyền tin rằng mình có chính nghĩa thì có gì phải tránh né thảo luận công khai minh bạch trong cả nước để tìm ra chân lý?

 “Đi với Trung Quốc giữ được chế độ nhưng mất nước? Đi với Mỹ giữ được nước nhưng mất chế độ và mất Đảng?…”

          Đấy là suy nghĩ nói lên thành lời của không ít vị lão thành trăn trở về vận mệnh đất nước hiện nay.

          Người viết bài này xin có lời bình: “Đi” như thế, e rằng trước sau rồi sẽ mất tất cả, để rồi sẽ phải làm lại từ đầu tất cả.

Bởi vì đi như thế với ai đi nữa, thân phận của đất nước ta vẫn là thân phận của nước bên thứ ba (the third player, the third party) như đã nói tới ở các phần trên. Gần 7 thập kỷ vừa qua nước ta đã không dưới một lần rơi vào cái thân phận nước bên thứ ba.., không dưới một lần bị thí, bị phản bội, bị cướp, bị móc túi.., và cuối cùng nước ta đang có chỗ đứng đầy âu lo như hôm nay trên bàn cờ thế giới.

Lịch sử ngoại giao nước ta 7 thập kỷ vừa qua còn cho thấy, đi với bên nào thì trước sau vẫn  rơi vào nguy cơ thường trực: Đi với một bên, chống một bên, với kết cục không bao giờ tốt đẹp.

Trong nước và trên thế giới có nhiều nhận xét xác đáng: Việt Nam đang thực hiện đường lối ngoại giao “leo dây”. Qua đó, cái yên thân Việt Nam giành được chỉ là cái yên thân luôn luôn chung chiêng, chao đảo trên dây. Cái ý chí không gì quý hơn độc lập tự do giành được qua sự yên thân này là cái tự do có khung trời hẹp bằng sợi dây ta đang đi trên nó. Cái dây ấy có thể bị giựt, bị đứt bất kỳ lúc nào. Khung trời tự do này cắt nghĩa sự lệ thuộc và phụ thuộc nguy hiểm đất nước đang mang trên mình như đã trình bầy trong các phần trên của bài này.

Còn phải tính toán thêm một yếu tố mới: Trong mọi bước đi cố phục hồi lại vị thế quốc tế đã từng có thời Xô-viết và trước nữa, Nga đang tiến hành nhiều hoạt động gia tăng sự có mặt của mình ở phía Đông. Thực tế này làm cho yếu tố Nga ngày càng đặm nét hơn tại khu vực biển Hoa Đông (liên quan đến đảo Kurin, đến Nhật) và trên biển Đông (bao gồm cả những nỗ lực muốn trở lại Cam Ranh). (Hiện nay trong vấn đề Syrie cũng vậy).

Hiện tượng mới này có thể đặt Việt Nam trước 2 tình huống:

(1)có thể khai thác yếu tố Nga để giảm bớt sự căng thẳng cho ta trong việc giữ cân bằng giữa hai đối trọng Mỹ - Trung? và

(2) phải chăng việc ta thực hiện cân bằng giữa 2 đối trọng Mỹ - Trung sẽ có thêm những khó khăn mới, nếu Nga cùng đi với Trung Quốc như đang làm trong vấn đề Syrie?

(Chú ý: Kịch bản Nga đi với Mỹ trong chiến lược “trục xoay” của Mỹ hoàn toàn loại trừ trong bối cảnh quốc tế hiện nay).

Suy cho cùng, cả 2 tình huống (1, 2) này chẳng lợi lộc gì cho nước ta. Hơn nữa, nước ta hầu như không thể có ảnh hưởng gì trong trò chơi tay ba này, kể cả trường hợp ta lựa chọn đối sách đi với một bên nào đó (dù là Nga). Cũng không thể loại trừ trò chơi tay ba này mang đến cho nước ta những vấn đề nhạy cảm và khó khăn mới. “Đi” với ai, trong trò chơi này, thân phận nước bên thứ ba đối với nước ta vẫn là một ác mộng.

Có thể tình huống 1 ở chừng mực nhất định có lợi cho Việt Nam – ví dụ như hiện nay Nga đang là người bán cho Việt Nam nhiều vũ khí quan trọng, quan hệ với Việt Nam có một bề dầy lịch sử được nhân dân cả hai bên trân trọng, vân vân… Song hiển nhiên những mối quan hệ Việt - Nga có quá khứ tốt đẹp này làm sao có thể so sánh được với tầm quan trọng của việc Nga đang muốn phục hồi vị thế cường quốc trước đây của mình. Nếu hình thành một trục Nga – Trung trong những vấn đề ở Bắc Phi (hiện nay đang manh nha trong vấn đề Syrie), liệu việc Việt Nam đi với Nga như thế sẽ có những hệ lụy gì? Hiện nay Nga đã đồng ý bán những vũ khí tối tân cho Trung Quốc như tên lửa S400, máy bay chiến đấu SU – 35… Vũ khí Nga bán cho Việt Nam kém hiện đại hơn (vì ta ít tiền hay không cần đến?)

Trong tình hình có một kịch bản Syrie ở Biển Đông (Nga đi với Trung Quốc), giả thử Việt Nam lựa chọn đi với một bên kép là Nga - Trung Quốc trong trò chơi tay ba này, hầu như chắc chắn Việt Nam đứng trước một hiểm họa mới khôn lường (là tiền đồn, là khu đệm cho liên kết Nga – Trung trong trò chơi tay ba đầy nguy hiểm này? V… v…). Chẳng lẽ bài học nóng hổi “7 cuộc chiến tranh trong 1 cuộc chiến tranh” hôm qua không nói lên điều gì với nước ta hôm nay?

Có một điều có thể thấy trước: Mối quan hệ giữa các nước lớn càng rối rắm và nhạy cảm, chắc chắn Nga sẽ càng bận bịu hơn nữa chăm lo đến vị thế quốc tế của mình. Và như thế, quan hệ Nga – Việt sẽ chỉ còn nằm lại trong danh mục phụ lục của chính sách đối ngoại Nga mà thôi.

Kịch bản Việt Nam đi với Mỹ trong vấn đề Biển Đông nói riêng và trong vấn đề “chiến lược trục xoay” nói chung – dù là có hay không có sự xuất hiện của Nga trong khu vực ĐNA này – cũng không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Vì “đi” như thế, ta sẽ lĩnh đủ đạn từ phía Trung Quốc, lại vẫn là rơi vào cái bẫy đi với một bên chống một bên. Nếu có cả Nga tham gia vào trò chơi này, thì màn kịch sẽ càng rối rắm và không bớt mùi máu trộn thuốc súng dành cho Việt Nam.

Kịch bản đi với Trung Quốc?

Đi với Trung Quốc như đã đi gần 70 năm qua? Đi với Trung Quốc như đã và đang đi từ Thành Đô cho đến hôm nay? “Đi” như thế chắc là đủ lắm rồi! Trở thành tiền đồn cho Trung Quốc thì nhân dân ta chắc chắn sẽ bác bỏ quyết liệt, và thế giới cũng sẽ tảy chay. Bây giờ rất cần mối quan hệ láng giềng bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền, tốt đẹp, tự trọng, bền vững đời đời với Trung Quốc, chứ không phải sự mầu mè 4 tốt và 16 chữ...

Muốn được như thế, phải chăng cái dĩ bất biến của Việt Nam là: Nhất thiết phải có bản lĩnh không trở thành nước bên thứ ba trong bất kỳ loại games nào của các ông lớn? 

Kịch bản là nước trung lập đứng ngoài cuộc chơi tay ba của Mỹ, Trung, Nga, hoặc đứng ngoài cuộc chơi tay đôi (trong đó có một bên kép Nga - Trung) không đặt ra cho Việt Nam. Đơn giản vì sẽ chẳng ai chịu để nước ta thoát khỏi thân phận nước bên thứ ba.  Nghĩa là ta có quỳ gối xin được trung lập, chắc thiên hạ cũng không ban cho!

Tóm lại, “đi”  như nói trên với ai cũng không được!

Trung lập cũng không được!

Nghĩa là không còn ngả đường nào khác ngoài con đường nước ta đã lựa chọn nhưng chưa làm sao dấn thân bước vào được, đó là: Chính ta cũng phải trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của các đối tác. Đơn giản là làm gì có chuyện bắt tay nhau hay hân hoan vỗ tay bằng một bàn tay!

Xin nói huỵch toẹt ra thế này:

Hiện nay có lẽ Mỹ cũng chưa tin ta, mặc dù ta có vị trí và vị thế chiến lược quan trọng lắm. Thế thì làm sao ta là đối tác hợp tác toàn diện được?.. Vậy ta làm sao thực hiện được vỗ tay hay bắt tay nhau bằng hai bàn tay được – nghĩa là trong đó phải có một bàn tay là của phía Việt Nam?

Hiện nay Trung Quốc cũng ngờ vực ta. Trung Quốc thừa biết 4 tốt và 16 chữ là của rởm. Nhưng nội bộ Trung Quốc đặt câu hỏi: Việt Nam chập chờn? Bắt cá hai tay? Lật lọng? Việt Nam có bản lĩnh, hay khiếp nhược hay vật vờ?.. Báo chí Trung Quốc không dưới một lần nói “Việt Nam ăn cháo đá bát!”… Nghĩa là Trung Quốc không tin ta, coi thường ta, cũng chẳng sợ ta, cũng chẳng nể nang gì ta, có cơ hội thì còn làm cho ta ê chề nữa…

Vậy có cách gì làm cho cả Mỹ và Trung Quốc phải thay đổi cách suy nghĩ của họ về ta? Phải làm thế nào cho họ hiểu: Có một Việt Nam khác – một Việt Nam tự nó, cho nó, vì nó và vì lẽ phải, vì những giá trị toàn cầu… Đã đến lúc họ phải ứng xử đúng mực với một Việt Nam bản lĩnh như thế!..

Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật:

-        Việt nam có một vị trí chiến lược địa chính trị và địa kinh tế rất đặc biệt tại Đông Nam Á.

-        Nhưng trong con mắt của hầu hết những diễn viên chính tại sân khấu CA - TBD, Việt Nam mới chỉ được coi là một vị thế công cụ quan trọng.

-        Bây giờ Việt Nam nhất thiết phải chủ đông chiếm được cho mình vị thế đối tác quan trọng và được tôn trọng. Không có sự lựa chọn nào khác.

Vâng, để chiếm được chỗ đứng là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ, nhất thiết ta phải là một Việt Nam của phẩm giá – được đo bằng những giá trị của dân tộc mình, những giá trị toàn cầu và được thể hiện thành hành động; mọi xảo ngôn chẳng giúp được gì[89].

Một Việt Nam biết tự trọng và muốn tạo ra lòng tin chiến lược (“diễn văn Shengri La”), nước ta nhất thiết phải là như thế, phải làm được như thế.

Cùng nhau vỗ tay hân hoan bạn bè, hay là bắt tay nhau hợp tác, đều phải có đủ hai bàn tay như thế, trong đó Việt Nam phải là một bàn tay như thế.

Ta còn thua kém các đối tác của ta về nhiều phương diện, nhưng vì thế địa kinh tế và địa chính trị của nước ta cho phép ta tham gia và có những đóng góp vào các mối quan hệ chung song phương / đa phương trong khu vực và toàn cầu đủ quan trọng, để ta cũng được thừa nhận là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Nhưng sự thật là hiện nay nước ta đang thiếu trầm trọng bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ để dấn thân trở thành một đối tác như thế, chứ không phải vì nước ta nghèo và lạc hậu. Nói nghiêm khắc, nước ta vẫn chưa ra khỏi cái tâm lý đối phó, chập chờn, ỷ lại, cầu xin, tâm lý mong được giúp, được chi viện![90]

Như vậy hiển nhiên, cái dĩ bất biến là: Phải trở thành một quốc gia có bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ - từ đó sẽ có thực lực để dứt khoát không cam chịu thân phận nước bên thứ ba. Nhưng làm sao Việt Nam trở thành một quốc gia như thế với chế độ chính trị toàn trị hiện hành?[91] Xin mỗi người Việt Nam, trước hết là các đảng viên ĐCSVN, hãy trả lời câu hỏi này.

Một khía cạnh khác: Ngày nay, trên ngôn từ, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác toàn diện với tất cả các diễn viên chính trên sân khấu thế giới. Nhưng phải nói ngay, quan hệ thực chất của nước ta với tất cả những đối tác quan trọng này, kể cả với Trung Quốc có “16 chữ và 4 tốt”.., nước ta đều ở vị trí rất thấp trong chính sách đối ngoại của họ, đơn giản vì:

(1) về mọi phương diện thế và lực của nước ta đều yếu,

(2)  đường lối đối ngoại chập chờn của ta vì phải đi dây, nên khiến các đối tác quan trọng này của ta cũng đáp lại chập chờn theo (vì không có chuyện “free lunch” ở đây),

(3)  đi dây như thế không thể dấn thân được; điều này có nghĩa mãi mãi cam chịu giữ vị trí thấp trong mọi vấn đề, trong mọi cuộc chơi của các đối tác / đối thủ và của cả thế giới, chẳng bao giờ có thể  bình đẳng.

Một đường lối ngoại giao phải gánh chịu 3 nhược điểm lớn như thế, chung cuộc làm suy yếu đất nước, đặt đất nước trước nhiều hiểm họa.

Đến đây có thể kết luận: Bằng mọi giá, nước ta phải là chính mình, để thiết lập được các mối quan hệ đối ngoại mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi. Đấy là: Bằng ngọn cờ dân tộc và dân chủ phát huy sức mạnh dân tộc, đi với cả thế giới.

Việt Nam nhất thiết phải đứng trên đôi chân của mình, quyết định những bước đi của mình, bởi vì lợi ích của mình đòi hỏi như vậy, bởi vì hòa bình và xu thế tiến bộ trên thế giới muốn có một Việt Nam như vậy. Đòi hỏi không thể thoái thác này xác quyết: Việt Nam phải trở thành một quốc gia của dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc và hòa bình.
Xin hỏi: Có con đường nào đổi đời đất nước, đổi đời mỗi công dân để xây dựng nên một Việt Nam như thế, nếu không phải là con đường cải cách thể chế chính trị để tạo điều kiện thay đổi tất cả? Xin mỗi người Việt chúng ta – dù là ai, chính kiến nào, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, đảng viên ĐCSVN hay không phải đảng viên ĐCSVN, sống ở trong nước hay nước ngoài – với tất cả tình thần trách nhiệm “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”[92], với tất cả tinh thần đoàn kết hòa hợp và hòa giải dân tộc, hãy suy nghĩ về điều này.

Còn một sự thật nữa: Nước ta có một vị thế rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của tất cả các đối tác quan trọng, lớn cũng như nhỏ, các nước thành viên ASEAN…, nhìn theo phương diện tiêu cực, cũng như theo phương diện tích cực.

Nhìn theo phương diện tiêu cực: Nếu thống soái được Việt Nam, sẽ làm được nhiều chuyện. Ví dụ, nếu biến được Việt Nam thành một bàn đạp cho Trung Quốc tiến xuống phía Nam và ra Biển Đông!..

Nêu lên như vậy là để bàn cho hết nhẽ. Cứ cho là Trung Quốc rất muốn, nhưng có thể phương án này trong thực tế sẽ không khả thi hay rất khó khả thi. Vì hầu như chắc chắn nhân dân Việt Nam sẽ từ chối đến cùng một phương án như vậy, và chắc cũng sẽ nhân dịp này quét sạch luôn mọi ảo tưởng, phản bội, hay đầu hàng ăn theo phương án này.

Xin nhắc lại, Trung Quốc trước đây đã đôi ba lần đề nghị với Mỹ phương án chia đôi Thái Bình Dương.

Cách đây ít lâu bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố Thái Bình Dương đủ chỗ cho cả Trung Quốc và Mỹ… Bây giờ xin lưu ý: Việt Nam có một vị trí chiến lược khá quan trọng, nên từ sau chiến tranh thế giới II đến hôm nay không dưới một lần người ta đã bàn với nhau các phương án “chia đôi” như thế dành cho Việt Nam.

Trong tiếp đón Chủ tịch Trương Tấn Sang vừa qua, phía Mỹ tuy cởi mở, tiến xa hơn so với ta một chút lên phía trước, song vẫn bầy tỏ một thái độ “wait and see!” khá rõ rệt với Việt Nam, (ví dụ: không thể tách việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam với vấn đề thực hiện dân chủ và quyền con người ở Việt Nam, nội dung “đối tác toàn diện” hàm ý có những điều chờ đợi nhất định…). Mỹ không thể làm khác, mặc dù ai cũng biết phía Mỹ rất muốn triển khai mạnh mẽ chiến lược “trục xoay”. Thái độ “wait and see!” như vậy phải chăng cho thấy: Mỹ không mơ hồ, cũng không sốt ruột trước tình trạng “chập chờn” và “ngoại giao leo dây” khó tránh hiện nay của Việt Nam!?

Chưa nói đến việc là siêu cường, ắt Mỹ còn nghĩ đến nhiều tính toán khác, nhiều phương án khác, cho những tình huống khác.[93].

Trên phương diện tích cực: Việt Nam sẽ rất quan trọng đối với nhiều nước nếu là một thành trì bất khả xâm phạm của hòa bình trong khu vực, là cầu nối rất cần thiết giữa các khu vực và cho những players trong nhiều vấn đề nan giải khác…

Sự thật là trên thế giới ngày nay rất nhiều quốc gia muốn có một Việt Nam có đủ khả năng giữ vai trò tích cực nêu trên.  Trong tất cả các đối tác chiến lược, có lẽ duy nhất chỉ có Trung Quốc muốn có một Việt Nam suy yếu. Việt Nam thực sự đang có tiềm năng giành lấy một vị thế quốc tế xứng đáng mà rất nhiều nước trên thế giới mong muốn cho Việt Nam! Cơ hội này thực sự chưa từng có  cho Việt Nam kể từ khi lập quốc, do xu thế phát triển của thế giới hôm nay tạo ra.

Đã thế, bàn cờ thế giới thay đổi như chong chóng. Vì lợi ích nào đó các cường quốc hôm nay đi với nhau; vì lợi ích nào đó ngày mai có thể chống lại nhau. Việt Nam không thể dựa dẫm hay ăn  theo nói leo được. Nếu không đủ trí tuệ và bản lĩnh để luôn luôn giữ được mình là chính mình và đi cùng với cả thế giới tiến bộ, để có khả năng bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia  của mình và biết dấn thân ủng hộ lợi ích của cộng đồng, xin hỏi làm sao Việt Nam có thể có những quyết định đúng đắn?

Một khi phải có một đường lối đối ngoại như thế, sẽ có nhiều điều vô cùng nhạy cảm và vô cùng gian khổ, sẽ đụng chạm với nhiều nơi và sẽ chịu sức ép mới từ nhiều nơi… Thử hỏi, nếu không có hậu thuẫn của  một nền nội trị vững mạnh, làm sao dám có một đường lối đối ngoại như thế? làm sao dám thực hiện? Vấn đề Biển Đông của đất nước đang là một vấn đề như thế. Vấn đề quan hệ Việt – Trung, quan hệ Việt – Mỹ trong bối cảnh chính trị mới của khu vực và trên thế giới đang là những vấn đề vô cùng nhạy cảm và gian khổ như thế… (Xin nói một sự thật trong quá khứ: Trong những thập kỷ trước đây, ngoại giao Việt Nam không hiếm khi phải chiến đấu trên 2 mặt trận: mặt trận đối ngoại, và phia sau lưng là mặt trận đối nội!)

Một lần nữa lại càng rõ: Thách thức lớn nhất khiến Việt Nam có thể tuột mất cơ hội lớn cũng như dễ dàng rơi vào các bẫy mới lại chính là yếu kém của Việt Nam. Mà trong cuộc sống không có một yếu kém nào được buông tha! Một lần nữa lại càng rõ, cuộc cải cách thể chế chính trị phía trước của đất nước là bắt buộc. Cải cách chỉ được phép phải thành công, điều này cũng là bắt buộc, để đất nước có một bản lĩnh mới, một năng lực mới. Đấy cũng là tiền đề hàng đầu để giành thắng lợi. 

Có lần, một người bạn muốn ở tôi lời khuyên, nếu được gặp lãnh đạo Việt Nam, ông ta nên nói gì?

Đáp: Lãnh đạo Việt Nam cần biết: (1)Vấn đề nóng bỏng nhất Việt Nam phải giải quyết ngay là cải cách thể chế chính trị. (2) Sự bê bết lớn nhất của Việt Nam hiện nay là bất lực trong cải cách thể chế chính trị. (3) Chỗ mạnh nhất của Việt Nam là quyết tâm thực hiện bằng được cải cách thể chế chính trị.

 Cái bóng không làm khác được cái hình

          Một số bạn lão thành khác chia sẻ với tôi: Trung Quốc không cải cách thì Việt Nam đừng có hòng! Họ cải thì mình mới cải được!

Thật ra không ít người trong giới quan sát nước ngoài cũng nghĩ như vậy, và điều này có những lý do xác đáng nhất định.

Có quá nhiều dẫn chứng lấy ra từ cuộc sống lập luận cho cách nghĩ nêu trên. Tôi không phản bác được, nhưng cũng không chấp nhận. Tôi tìm cách đặt vấn đề theo cách khác: Giả định, vì lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc, vì lựa chọn con đường dấn thân đi với cả thế giới, Việt nam quyết tiến hành cải cách thể chế chính trị của mình thì sao? Trung Quốc sẽ có thể làm gì?

          Sẽ dùng quyền lực mềm can thiệp sâu vào nội bộ nước ta? Tiếp tay cho mọi nỗ lực bóp chết từ trong trứng cải cách của ta? Lũng đoạn kinh tế, chính trị? O ép hay can thiệp bằng quân sự - công khai hoặc trá hình? Chia rẽ? Ly gián? Gây bạo loạn, phá hoại? Xui khiến một lực lượng nào đó gây hấn thọc vào sườn ta? Trung Quốc trực tiếp can thiệp bằng chiến tranh?  Vân vân…

Tất cả những giả thiết như vậy đều có thể[94].

Xin nhắc lại: Bỗng dưng ngạo mạn lấy cớ dậy cho Việt Nam bài học, giữa lúc Việt Nam không hề đụng đến một sợi tóc của Trung Quốc, để tiến hành cuộc chiến tranh 17-02-1979, kéo dài đến tận 1989.., thử hỏi còn việc gì khác Trung Quốc không dám làm khi cần? Nghĩa là không đánh ta, hay muốn đánh ta, Trung Quốc đâu cần đợi đến lúc Việt Nam tiến hành cải cách!

Hoàn toàn có thể suy luận: Trung Quốc chắc chắn không thích sau Myanmar bây giờ lại có thêm một Việt Nam dân chủ cạnh nách mình. Hiển nhiên Việt Nam không quyết định được “khẩu vị” và sự lựa chọn như vậy của Trung Quốc. 

Song chẳng lẽ vì Trung Quốc không thích, nên nước ta không dám làm cái việc nước ta phải làm? Trung Quốc rất muốn duy trì một nước Việt Nam èo uột và lệ thuộc như hiện nay, chẳng lẽ chỉ vì trung thành với 16 chữ và 4 tốt nên nước ta phải chiều lòng họ? Thực tế từ hội nghị Thành Đô đến nay nước ta đã làm quá mức, quá mức rất nhiều những gì có thể, chỉ để mong xây dựng được quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Thế nhưng Trung Quốc không để nước ta yên. Cuộc sống đang cho thấy: phía ta càng nhân nhượng, phía Trung Quốc càng lấn tới.

Bây giờ Trung Quốc ngang nhiên đòi đường lưỡi bò, leo thang tiếp đòi phải thừa nhận cái gọi là chủ quyền thuộc Trung Quốc trên Biển Đông trước đã, rồi mới tính đến chuyện cùng hợp tác khai thác – với nghĩa chỉ hợp tác những vùng trên Biển Đông Trung Quốc có yêu sách nhưng chưa chiếm được, chứ đừng hòng cùng hợp tác khai thác những vùng Trung Quốc đã phi pháp chiếm giữ như Hoàng Sa, một số nơi ở Trường Sa…[95]

Tất cả chỉ cho thấy, việc của nước ta, nước ta phải lo, không thể chiều lòng hay sợ mất lòng bất kỳ ai.

Việt Nam đến nay chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ điên dại đi khiêu khích Trung Quốc. Việt Nam cũng không thể chấp nhận việc Trung Quốc cho phép mình làm gì và bắt mình không được làm gì. Với bất kể lý do gì, một khi nhà cầm quyền Trung Quốc rắp tâm cản phá con đường sống của nước ta là cải cách thể chế chính trị, nước ta không có sự lựa chọn nào khác: Sống hay chết, nước ta phải làm việc nước ta phải làm.

Xin cứ bàn luận rộng rãi, công khai trong cả nước để có quyết tâm: Cải cách thể chế chính trị là con đường sống của đất nước ta, kể cả trong quan hệ với Trung Quốc. Thậm chí đấy là con đường tạo dựng ra mối quan hệ đúng đắn, láng giềng tốt và bền vững với Trung Quốc. Câu chuyện này chẳng có gì phải giữ bí mật!

          Như đã nói ở trên, xin được dành câu hỏi “tiến hành cải cách thể chế chính trị như thế nào?” cho một chuyên đề khác. Dưới đây chỉ xin nêu một số nhận định khái quát.

Con đường bạo loạn, lật đổ sẽ chỉ dẫn đất nước đến đổ vỡ, thậm chí có thể đổ vỡ rất đẫm máu, không loại trừ sự can thiệp từ bên ngoài... Tiếp theo đó, đến lúc tình hình cho phép, vẫn phải tiến hành nhiệm vụ cải cách không thể tránh né được, nhưng quá trình này sẽ có thêm nhiều trở ngại mới nguy hiểm

Nhưng nếu ngoan cố trấn áp nhân dân, dứt khoát cưỡng lại cải cách, sớm muộn cũng sẽ dẫn đến chế độ bị lật đổ. Song vì quá trình này thiếu hẳn việc nâng cao dân trí và xây dựng các giá trị cần thiết cho thực hiện cải cách, nên con đường cải cách tiếp theo bắt buộc phải đi qua sẽ gian truân hơn nhiều và không loại trừ vấp phải nhiều tổn thất, thất bại. Thực tiễn các nước Bắc Phi hiện nay đang diễn ra như vậy.

Trong khi đó chủ động cải cách từ trên xuống ở Myanmar đang vạch ra một triển vọng sáng sủa hơn, không tốn một sinh mạng, kinh tế có được sinh lực mới, thể chế chính trị đi vào con đường dân chủ, vị thế đối ngoại của đất nước được nâng cao đáng kể, kết quả tổng hợp là độc lập và chủ quyền của Myanmar vững chắc hơn trước.

Dứt khoát không nên dẫn giải các câu chuyện ở Bắc Phi hiện nay, hù dọa “nguy cơ Ai-cập”.., tất cả với ý định lẩn tránh cải cách.

Câu chuyện Ram Sainry sau bầu cử tháng 7 vừa qua ở Campuchia cũng đáng được phân tích, để tránh cho sự nghiệp cải cách ở nước ta những bước đi quanh co không cần thiết.

Chúng ta có nhiều thông tin về nền dân chủ hoàng gia ở Thái Lan, một nước tiếp cận với dân chủ sớm nhất Đông Nam Á, nhưng đến nay vẫn chưa sao tránh được cứ dăm ba năm lại đảo chính một lần.

Chúng ta cũng có những kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc về xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ như một khâu quyết định trong việc đưa đất nước đi lên thành NIC. Giữa thập niên 1950, lúc khởi sự con đường dẫn tới Hàn Quốc hôm nay, GDP p.c. Hàn Quốc chỉ đạt có 80 USD (tương đương với GDP p.c. gần 200 USD của Việt Nam năm 1986 khi tiến hành đổi mới), trong một thể chế chính trị quân phiệt gần như là tàn dư của chiến tranh, nhưng có tinh thần gìn giữ các giá trị của dân tộc mình, quyết học hỏi, có ý chí đuổi và vượt hàng của Nhật, làm việc cật lực và có trách nhiệm – nhất là trong cơ quan nhà nước (ở Việt Nam không thể nói như vậy), trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội  rất hiếm không gian cho “làm giả, ăn thật”… Có nhiều lý do để xem việc xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ ở Hàn Quốc vừa đặt nền móng, vừa tạo ra cú hích cho Hàn Quốc bước lên con đường trở thành NIC hôm nay.

Chúng ta có không biết bao nhiêu thông tin về quá trình cải cách liên tục, cải cách không ngừng của các nước phát triển từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay; rồi đến những bài học cải cách của các nước LXĐA cũ…

Lợi thế nước đi sau cho phép nước ta học hỏi được rất nhiều từ các nước đi trước, để dựng lên cả một chiến lược cải cách, thiết kế một chế độ xã hội phát triển và lộ trình của con đường cải cách để đi tới cái đích ấy.

Để bảo tồn mọi thành quả đã giành được trên chặng đường 38 năm qua, nhờ đó có lực ra khỏi khủng hoảng hiện nay, chống đỡ mọi biến động bất thường bên trong hoặc bên ngoài, và mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước, có con đường nào hơn là cải cách thể chế chính trị?

Cái khó là sự ngoan cố của quyền lực, chứ không phải là đất nước ta không đủ trình độ cải cách[96]. Tình trạng lạc hậu và bối cảnh chính trị nhạy cảm hiện nay của đất nước ta càng không phải là lý do để trì hoãn cải cách, mà là sự thôi thúc sống còn phải cải cách. Với tính cách là đảng duy nhất cầm quyền và là lực lượng chính trị mạnh nhất, nếu ĐCSVN đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và chủ động đề xướng cải cách, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn Myanmar rất nhiều. Trước hết các đảng viên ĐCSVN yêu nước phải nhận thức ra điều này. Rất nên có các diễn đàn trong cả nước, trong nội bộ ĐCSVN.., thảo luận công khai và dân chủ về sự bức thiết của cải cách, tìm kiếm mọi khả năng tiến hành cải cách thành công ở nước ta. Đừng bắt nhân dân ta và đất nước sẽ phải một lần nữa đau khổ vì những hiểm họa đang đến phía trước!

Tôi thực sự tin rằng kho tàng trí tuệ của thế giới sẽ trợ giúp chúng ta thỏa đáng trong sự nghiệp đổi đời đất nước lần này, cũng là đổi đời chính mỗi người Việt Nam chúng ta. Có sự đồng thuận dân tộc trên cơ sở của trí tuệ có học hỏi như thế, sẽ làm nên tất cả.

Một cơ may hay là một cơ hội, đúng vào thời điểm này đang tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. ĐCSVN nên  nhân dịp này thực hiện dân chủ và công khai minh bạch trong việc huy động trí tuệ cả nước xây dựng một Hiến pháp mới, đặt nền móng đầu tiên cho việc tiến hành cuộc cải cách quyết định vận mệnh và tiền đồ của đất nước. 

Làm như vậy là lãnh đạo.

Không làm như vậy, thậm chí xuyên tạc và tìm cách bóp chết mọi ý kiến đúng đắn của nhân dân về xây dựng Hiến pháp, có nghĩa là ĐCSVN tự tay vứt bỏ vai trò lãnh đạo mà ĐCSVN giành lấy cho mình, để tiếp tục duy trì vị thế đảng cai trị. Không có cách gì có thể bào chữa được.

Việc sửa đổi Hiến pháp như hệ thống chính trị hiện nay đang làm không khác bao nhiêu việc “dắt trâu qua rào”, chỉ để bảo toàn một hệ thống quyền lực cai trị đang tiếp tục đẩy đất nước đi sâu vào bế tắc và khủng hoảng. Làm như thế, phải chăng ĐCSVN đang  muốn bảo toàn quyền lực thống trị của mình bằng cách tiếp tục làm thui chột đất nước?

Tại đây xin nêu một câu hỏi có thể nhiều người không thích nghe:

Tại sao một ĐCSVN vì nước vì dân với tính cách là người nắm trọn mọi quyền lực trong tay không dựa vào trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân để tiến hành một cuộc cải cách chính trị từ trên xuống, mở đầu bằng việc phát huy dân chủ, thực hiện công khai minh bạch, tổ chức cho nhân dân xây xựng thành công một Hiến pháp mới?

Bất kể một cuộc cải cách nào, có khả năng thành công nhất, với cái giá phải trả thấp nhất, bao giờ cũng vẫn là một cuộc cải cách chủ động (cả từ phía dân và phía nhà nước) và từ trên xuống, trong hòa bình, hòa giải, không bạo lực. Lịch sử, và khắp thế giới đều có kinh nghiệm như vậy. Song kinh nghiệm cũng cho thấy chẳng có cuộc cải cách nào là dễ, là không phải trả giá; vấn đề quyết định chỉ là ở chỗ cái giá phải trả sao cho thúc đẩy được, chứ không làm đổ vỡ cải cách.

Không phải nói đâu xa, đổi mới 1986 chính là một cuộc cải cách kinh tế từ trên xuống, do ĐCSVN tiến hành, được thực hiện trên cơ sở dựa vào những đòi hỏi của cuộc sống, của nhân dân và cuối cùng là chế độ chính trị chịu chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật. Đấy là một cuộc cải cách hòa bình. Nhờ thành công của đổi mới đất nước mới được như hôm nay.

Cái giá lớn nhất ĐCSVN sẽ phải trả cho cải cách và cho Hiến pháp mới là phải rút lại cái quyền tự ban cho mình là đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp (Điều 4), chịu mất đi mọi đặc quyền đặc lợi vốn là cái nôi sinh sản những quyết sách sai lầm và nuôi dưỡng sự tha hóa cũng như mọi tệ nạn quan liêu tham nhũng của Đảng, của toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Tất cả những đặc quyền đặc lợi này đã và đang làm hỏng toàn bộ xã hội và đời sống mọi mặt của đất nước. Vứt bỏ những thứ xấu xa ấy là không đáng hay sao?

Song đổi lại, cái được lớn nhất là ĐCSVN có những điều kiện tốt nhất trong cả nước để từ đảng cai trị phấn đấu trở thành đảng lãnh đạo. Và nhờ có vai trò lãnh đạo có thực chất như vậy, ĐCSVN sẽ có điều kiện tốt nhất tranh thủ lá phiếu của nhân dân thông qua bầu cử trung thực, qua đó trở thành đảng cầm quyền một cách chính danh và chính đáng. Nền tảng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự được xây dựng nên như thế trong cải cách chẳng những là cần thiết cho phát triển kinh tế nói riêng (kinh tế thị trường) và cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, mà còn là không gian đáng mong muốn duy nhất cho rèn giũa lý tưởng và phẩm chất chính trị của ĐCSVN. Một sự lựa chọn như thế là sự lựa chọn đi với dân tộc, phục vụ sự nghiệp của đất nước[97].

Chỉ có cải cách chủ động và từ trên xuống như thế, mới có thể chắc chắn thực hiện được cải cách trong hòa bình, không bạo lực và thành công sớm nhất: dân tộc hòa giải, đất nước phát triển hài hòa, bạn bè thế giới hậu thuẫn. Đây chính là thế vững như bàn thạch của đất nước, có thể làm thất bại mọi can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào và dù từ đâu tới. Cải cách chủ động và từ trên xuống như thế là con đường lý tưởng nhất của nước ta lúc này. Lý tưởng cho cả ĐCSVN trong quá trình lột xác thành một đảng mới của dân tộc.

Không có cải cách chủ động và từ trên xuống như thế, áp lực của cải cách thường dễ biến thành sự bùng nổ, khó kiểm soát, rất dễ dẫn tới bạo lực.

Xin nhấn mạnh: Với tư cách là đảng duy nhất cầm quyền và là lực lượng chính trị lớn nhất của đất nước, ĐCSVN là người có trách nhiệm đầu tiên và trước hết đề xướng và phát huy trí tuệ, tâm huyết cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cải cách chính trị trọng đại này. Làm như vậy, chắc chắn ĐCSVN sẽ nhận được từ nhân dân sự hậu thuẫn để làm nên lịch sử: Một Việt Nam từ nay và mãi mãi là chính mình, dấn thân cùng với cả thế giới tiến bộ. 
Bác bỏ cải cách, đấy sẽ là sự lựa chọn đối kháng với nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phản lại lợi ích quốc gia.


Rút từ: Suy ngẫm về thời cuộc

........................
[86] Ví dụ gần đây nhất là   Sam Rainsy, người cầm đầu đảng đối lập - “đảng  Cứu quốc Campuchia”  (CNRP) - trong và sau tranh cử tháng 7 vừa qua đã nhiều lần nói các vùng biển – đảo Trung Quốc đòi hỏi trên Biển Đông đều thuộc chủ quyền Trung Quốc, ông ta hoàn toàn ủng hộ, các phát biểu rất xấu của ông ta trực tiếp chia rẽ mối quan hệ Việt Nam – Campuchia, vân vân… Cách xử sự của Campuchia hiện nay trong vấn đề Biển Đông rất đáng lo ngại… Hiện nay sự can thiệp trực tiếp dưới nhiều hình thức của quyền lực mềm Trung Quốc vào Lào và Campuchia là toàn diện và ở mức độ rất nguy hiểm.

[87] (1)Thái độ dè dặt của Campuchia đối với lập trường các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, đối với COC, và (2) sự hậu thuẫn của Campuchia dành cho lập trường Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp của ASEAN là những động thái được lặp đi lặp lại. Sự việc này cắt nghĩa nhiều điều.

[88] Thực tế này đã xảy ra khi Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề Campuchia suốt thập niên 1980.

[89] Một trong những ví dụ gần đây nhất là phía Việt Nam bào chữa cho nghị định 72, phản bác ý kiến phê phán của Mỹ; trong khi đó nhiều trí thức Việt Nam đã công khai đòi hủy bỏ nghị định này.

[90] Một doanh nhân là bạn của tôi kể cho tôi nghe mẩu đối thoại của anh ta với một doanh nhân Israel, đại ý:  Các bạn Việt nam thường nói nhiều về áp lực từ Trung Quốc; điều này đúng. Nhưng dù sao áp lực như thế  nhìn về mặt dân số thì khó khăn ở Việt Nam cũng mới chỉ là tỷ lệ 1 / 13, còn Israel chúng tôi tỷ lệ áp lực này là 1 /  35, lại còn thêm Đạo Hồi nữa. Hai nước chúng ta chẳng có quyền  chọn hay không chọn vị trí địa lý chúa ban cho như thế, mà chỉ có mỗi con đường phải sống!..

[91] Lịch sử quan hệ quốc tế cận đại và hiện nay có không  ít quốc gia ở vào thế bị các quyền lực bên ngoài o ép, co kéo, giằng xé tứ phương. Thành công điển hình trong bảo vệ chính mình trước tình huống này có lẽ là Thụy Sỹ từ trước đến nay, và hiện nay là Israel, ngoài ra cũng phải kể đến một số nước vùng Scandinavie (BẮc Âu).

[92] Khẩu hiệu của Cách mạng Tháng Tám làm nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

[93] Trong giới nghiên cứu Mỹ có ý kiến đại ý: Kinh nghiệm với Iraq, Afghanistan, các nước Bắc Phi… cho thấy Mỹ không thể gửi trứng cho đối tượng mình không chắc chắn hợp tác được, chờ cho Việt Nam qua giai đoạn chập chờn Mỹ sẽ quyết định cũng không muộn.

[94] Tham khảo: Nguyễn Trung, tiểu thuyết “Lũ”, tập II –  tr. 642…, tr. 695…

http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/Lu_T2_Final.pdf

[95] Cho đến thời Hồ Cẩm Đào, phía Trung Quốc chỉ nêu “gác tranh chấp, cùng khai thác”.  Từ cuối nhiệm kỳ Hồ Cẩm Đào và đặc biệt là sau Đại hội 18 của ĐCSTQ, lập trường của Trung Quốc bây giờ là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, cùng khai thác”.

[96] Nếu so nước ta bây giờ với lúc Liên Xô tiến hành Glasnos và Perestroika thời Gorbachov / Yeltsin, Việt Nam ngày nay có nhiều hiểu biết và thông tin cần thiết cho cải cách chính trị hơn Liên Xô thời ấy rất nhiều, chưa nói đến kinh nghiệm trên thế giới bây giờ về thắng / bại của cải cách chính trị vô cùng phong phú.

[97] Tham khảo:

(1) thư của luật sư Trần Vũ Hải ngày 22-08-2013 gửi UB Thường vụ Quốc hội Việt Nam về “THÀNH LẬP VÀ THAM GIA MỘT ĐẢNG NGOÀI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT VIỆT NAM”

http://basam.info/2013/08/22/1981-ls-tran-vu-hai-gui-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ban-du-thao-y-kien-ve-thanh-lap-va-tham-gia-dang-phai/

(2) Hoàng Xuân Phú, “Uẩn khúc trong Điều 4 của Hiến pháp” http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=UanKhuatTrongDieu4HienPhap-20130829

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét