Theo các nhà sử học đáng kính nhìn lại lịch sử cận và hiện đại của chúng ta thì chẳng mấy quốc gia có thể tự hào hơn Việt Nam mình. Trang nào cũng lấp lánh hào quang. Nhưng lạ thay cứ qua mỗi biến cố của của lịch sử nhân loại, khi những quốc gia khác hoặc đột biến thần kỳ, hoặc lặng lẽ âm thầm tiến đến giầu sang, phú quý thì chúng ta lại lùi thêm một bước vào khó khăn, phức tạp. Chúng ta đã từng ở đáy cùng của sự nghèo đói và lạc hậu, phải đi xin, đi vay khắp thiên hạ. Tưởng chừng chúng ta có cơ hôi để thoát ra, nhưng rồi chúng ta lại tự buộc mình vào ánh hào quang để đến tận bây giờ đất nước rối như tơ vò, dân chúng hầu hết vẫn lận đận lo ăn từng bữa. Đã có lúc nào đó mỗi người trong chúng ta cảm thấy cần phải chia xẻ bớt một chút hãnh diện cho những quốc gia, dân tộc khác để đổi lấy những giây phút bình an và phát triển hay chưa ?
Khi thực dân phương tây đổ xô đến miền Viễn Đông, hầu như cả vùng đất rộng lớn này đã khuất phục và trở thành thuộc địa. Thế mà chàng Samurai bản lĩnh và sáng suốt không những không chui đầu vào ách gông cùm mà còn nhanh chóng cường thịnh để ra nhập vào nhóm đế quốc, thống trị lại những người anh em đồng văn đồng chủng, máu đỏ da vàng. Nước Việt mình có thể đã phát triển ngang với họ nếu chúng ta vượt qua được cái ngưỡng lịch sử này. Nhiều người đặt giả thiết nếu Quang Trung không ra đi quá sớm có lẽ chúng ta còn tiến trước người Nhật cỡ vài chục năm để trở thành một đế quốc hàng đầu chăng ? Nếu vậy, hôm nay niềm tự hào của chúng ta đã khác và những nhà sử học hiện đại hẳn đang đứng trên bục để giảng cho những du học sinh, nghiên cứu sinh người Nhật sang đây thụ giáo những bài học về niềm tự hào của sự thịnh vượng chăng ? Hay các ngài vẫn sẽ ngậm ngùi cho đây là những trang đáng quên đi trong lịch sử dân tộc ?
Không hiểu nếu sống thêm vài chục năm nữa liệu Quang Trung có làm được như Thiên Hoàng Minh Trị bên xứ Phù Tang không, nhưng điều đó đã không xảy ra. Thực tế chúng ta chỉ có Gia Long và những hậu duệ của ông mà thôi. Phần còn lại của lịch sử, dẫu không có Phan Thanh Giản mà thêm vào đó vài ba anh hùng tiết liệt khác như Nguyễn Tri Phương hay Hoàng Diệu đi chăng nữa cũng chẳng thể lái bánh xe lịch sử mà chạy đua theo người Nhật được. Chúng ta lẽ ra phải chấp nhận lịch sử như một phần bản chất của dân tộc mình, nhưng đáng tiếc chúng ta lại chỉ thích được tụng ca. Vì vậy ở những giai đoạn lich sử tiếp sau, trong khi một số người cay đắng nhận ra vị thế khốn khổ của đất nước mình thì ngược lại vẫn không ít người chịu nhận rằng còn có những điều gì đó chúng ta chưa bằng được người Nhật, chưa bằng nhiều nước khác nữa.
Guồng quay ác nghiệt luôn đẩy chúng ta đến bến vinh quang mà quên mất cách làm người bình dị. Giả sử rằng sau năm 1954 chúng ta có một nước Việt Nam thống nhất, hòa hợp dân tộc thì có lẽ lúc này nền kinh tế Việt Nam hèn nhất cũng sánh ngang Hàn Quốc. Còn sao nữa ? Xuất phát điểm họ chẳng hơn ta, tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý thì ta ăn đứt họ. Họ cũng vướng vào cuộc chiến hai miền vô cùng hao người tốn của… Giả thiết về sự thống nhất nếu đặt vào của quốc gia khác có lẽ đã thành sự thật: Một tư tưởng, một đường lối dân tộc thực sự không ảo tưởng có thể đã dẫn đến cái bắt tay hòa hợp. Song với chúng ta thì đó lại là điều không tưởng. Sau chiến thắng, ngay lập tức chúng ta nghĩ rằng mình đang ở đỉnh cao của thế giới, đã nhất quyết chọn đứng ở vị trí tiền đồn đề hy sinh cho nhân loại. Trong con mắt của chúng ta khi đó bè lũ tay sai Pắc Chung Hy mới hèn hạ làm sao. Thế nhưng rồi vài chục năm sau chính chúng ta lại phải đon đả mời chào con cháu họ sang đây làm ông bà chủ. Bây giờ đám đàn ông Hàn Quốc, Đài Loan sang ta chọn vợ như đi mua lợn giống. Người Việt sang đó làm thuê từ việc bưng bô trở đi mà vẫn còn bị đánh đập, nhục mạ tơi bời.
Sau cột mốc lịch sử 1975, một bản anh hùng ca vĩ đại như chúng ta vẫn tự hào, lẽ ra chúng ta cứ thế tiến lên, để mấy nước lân bang như Nam Dương, Xiêm La hay Phi Luật Tân phải tròn xoe mắt mà than phục, mà hít khói. Ở thời điểm ấy, về mặt kinh tế phải nói rất nhiều người Việt Nam sẽ cảm thấy chạm tự ái nếu bị so sánh với mấy nước lân bang này. Nhưng sự không khéo léo, cái ý nghĩ Việt Nam phải là lương tri của thời đại đã đẩy ta vào hai cuộc chiến tranh kiệt quệ. Một lần nữa chúng ta bước ra từ khói lửa đạn bom với không ít hào quang, song cũng đầy mình thương tích. Nền kinh tế đã lùi xa về phía sau những người hàng xóm nhu mì.
Liên xô và Đông Âu tan vỡ. Bảy mươi triệu người dân Việt khi đó rớm nước mắt cảm thông cho những người anh em không may mắn. Chúng ta đã tự cho mình thật khôn ngoan với đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quả thực mang lại thành quả to lớn. Cả nước say sưa trong giấc mơ thành rồng, thành hổ. Nhưng rồi vừa mới kịp hưởng trái ngọt chưa lâu chúng ta đã lập tức phải đối mặt với cơ man những khó khăn, tiêu cực từ phần “định hướng”. Một lần nữa chúng ta quyết tâm trở thành chàng Đan-kô lấy ánh sáng trái tim rực rỡ tìm đường đi cho nhân loại tối tăm. Chúng ta gom từng đồng từ những người dân xơ xác để sáng tạo ra những “quả đấm thép”, song chưa đấm ai đã vỡ. Vỡ rồi mới thấy, hóa ra chúng chỉ là đồ hàng mã và bên trong thì mục ruỗng, đầy mối mọt. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đi đâu không rõ, ai chịu trách nhiệm không hay. Nhìn sang mấy nước “tan vỡ” (trừ Nga) ngậm ngùi thấy họ cứ êm đềm mà tiến, dân chúng no ấm đủ đầy. Được biểu tình đấy mà chỉ thấy họ đi làm, đi chơi. Bói cũng chẳng tìm ra kẻ nào âm mưu “diễn biến”.
Bây giờ xin hãy nhìn về phía Mi-an-ma. Sao! Mi-an-ma ư ? Chắc hẳn có người sẽ thốt lên như vậy. Chúng ta đang nhìn quốc gia này bằng ánh mắt mà năm mươi năm trước đã nhìn người Hàn Quốc, hơn ba mươi năm trước đã nhìn người Thái Lan. Nhưng có lẽ phải chống nốt nửa phần mắt còn lại lên vì đã quá muộn rồi. Chúng ta đang “giàu” hơn Mianma chăng ? Có lẽ thế ! Nhưng chúng ta hơn là hơn ở cao ốc, biệt thự đắt tiền, ở siêu xe và hàng hóa xa xỉ cộng thêm vài triệu tài khoản cá nhân khổng lồ nào đó tại các ngân hàng, còn đại đa số dân chúng với mức thu nhập vài ba triệu đồng/ tháng đang quay cuồng trong cơn bão giá kỷ lục có lẽ chẳng mặt mũi nào mà tự hào với ai. Mianma đang tách làn đường và có thể sẽ ra dấu xin vượt. Chúng ta lùi về đâu ?
Chúng ta lùi về đâu khi những nền tảng cơ bản của văn hóa cũng không còn: Những tin tức kiểu như: Thầy mua dâm trò, quan chức lấy tiền dân để cá độ bóng đá, để đánh những ván cờ 5 tỷ bạc, những đâm, chém, giết, hiếp ngày càng đầy ắp trên các mặt báo. Về đối ngoại, cái khí phách dương dương ngày nào bỗng chốc biến thành những cái bắt tay vồ vập, ngượng ngùng trước sự hững hờ, băng giá.
Một trang từng bị coi là ảm đạm nhất trong lịch sử dân tộc, đó là thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Hàng chục đời vua chúa bị hậu thế không tiếc lời xỉ vả. Những đứa trẻ mang họ Trịnh, họ Nguyễn một thời phải cúi mặt khi nghe thầy cô giáo giảng đến giai đoạn lịch sử này. Nhưng thực tế, hầu hết các vị chúa cả hai phía Trịnh, Nguyễn đều là những người tài giỏi, đều hết lòng củng cố xã tắc. Vì sao ? Vì trên phải thờ vua Lê, dưới thì hai nhà đối kháng. Nhưng cũng nhờ vào cái sự “loạn” đó mà kinh tế hai miền thịnh trị. Cũng từ đó người Việt đã không ngừng mở mang để làm chủ cả một vùng đất phương nam. Đây chắc chắn là thành quả lớn nhất mà chúng ta có được qua suốt mấy nghìn năm lịch sử. Con cháu của hai dòng họ hãy ngẩng đầu kiêu hãnh vì điều đó.
Và chúng ta bây giờ hãy gắng để có thể tự hào theo cách đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét